Tóm tắt báo cáo
Khai thác không gian ngầm đô thị là sự phát triển tất yếu trong quy hoạch đô thị ở các thành phố lớn trên thế giới và ở Việt Nam. Khái niệm khai thác không gian ngầm được hiểu với nghĩa rộng là quá trình tự nhiên và nhân tạo sử dụng lòng đất phục vụ phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội một cách bền vững. Với cách hiểu đó, khai thác không gian ngầm đô thị bao gồm: Xây dựng các công trình ngầm (CTN) với nhiều mục đích sử dụng như giao thông, kho chứa, gian hàng, rạp hát, bãi để xe ngầm, nhà máy sản xuất ngầm; Khai thác khoáng sản: Khai thác nước dưới đất, khai thác chất lỏng như dầu, các dung dịch khác; Khai thác khoáng sản bằng hầm lò; Hang động và xói ngầm, cát chảy tạo không gian rỗng trong lòng đất. Khai thác không gian ngầm thường kéo theo sự hình thành không gian rỗng (khoảng trống) trong lòng đất; gây nên sự mất cân bằng của địa tầng; từ đó làm thay đổi trạng thái ứng suất – biến dạng của địa tầng. Qúa trình trên đây diễn ra với các đặc điểm, tính chất, quy mô rất khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu quá trình này không được dừng hay hạn chế sẽ dẫn đến lún sụp đất của địa tầng và tạo nên các vùng lún sụp lên đến mặt đất tự nhiên; tạo ra các hố sụp lún (hố tử thần). Đây là hiện tượng tai biến địa chất, tai biến kỹ thuật làm thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đô thị.Do đó việc điều tra, khảo sát để dự báo, xác định nguyên nhân, cơ chế của hiện tượng để tìm ra giải pháp ngăn ngừa, giảm tổn thất là vấn đề cấp bách. Báo cáo này đề cập đến một số vấn đề của hiện tượng lún sụp mặt đất nhằm tìm ra giải pháp ngăn ngừa, phòng tránh thích hợp.
Toàn văn báo cáo